Xuất khẩu xi măng của Việt Nam giảm 26,5%
Trong 7 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu xi măng (XM) và clinker của Việt Nam đạt 9,56 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 412,92 triệu USD, giảm 26,6% về lượng và 26,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014.
Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia, xuất khẩu XM của Việt Nam giảm do thị trường XM thế giới có biến động, nguồn cung trên thế giới tăng lên trong khi nhu cầu xây dựng tại một số quốc gia giảm.
Thị trường xuất khẩu XM lớn nhất của Việt Nam là Bangladesh, chiếm 34% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, trị giá 126,17 triệu USD.
Thị trường BĐS khởi sắc , nhiều dự án tái khởi động, dự án mới được triển khai… kéo theo thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) sôi động theo. Một số mặt hàng có số lượng bán tăng gần gấp đôi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đang đứng trước sự thách thức của các sản phẩm từ nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc.
Sức mua tăng, giá tăng theo
Trên cơ sở thị trường BĐS hồi phục, doanh nghiệp xây dựng hồi sinh, thị trường VLXD có nhiều khởi sắc và tăng giá nhẹ. Hiện nay các công trình xây dựng vào mùa cao điểm nên sức mua cũng tăng lên khá nhanh. Một đại lý sắt xây dựng tại quận Gò Vấp, TPHCM, cho biết những tháng đầu năm, mỗi ngày đại lý này xuất ra khoảng 10 tấn thép, nhưng tại thời điểm hiện nay tăng lên gấp đôi. Giá thép trước đây khoảng 14 triệu đồng/tấn nay tăng lên 15 triệu đồng/tấn.
Ông Nguyễn Hữu Cung, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Cung Khang, cho biết sức mua tăng lên khá nhiều vì những tháng giữa năm là thời điểm các công trình đang trong giai đoạn cao điểm. Tuy nhiên hầu hết các mặt hàng chỉ tăng nhẹ, riêng gạch xây dựng tăng gần gấp đôi, trước kia giá mỗi viên gạch tuynel 800 đồng/viên nay đã lên đến 1.500 đồng/viên.
Lý giải việc tăng giá này, ông Cung cho biết nhiều cơ sở sản xuất gạch ở Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) bị tháo dỡ trong thời gian qua do quy hoạch của chính quyền địa phương, quá trình đô thị hóa nên không còn đất sản xuất, giá vận chuyển tăng…
Tại TPHCM, khảo sát một số tuyến đường bán VLXD, trang trí nội thất như Thành Thái, Lý Thường Kiệt, Sư Vạn Hạnh… (quận 10), Cộng Hòa (quận Tân Bình)… các chủ cửa hàng đều cho biết bắt đầu từ tháng 4 lượng khách đổ về các cửa hàng bán VLXD đông hơn do vào mùa xây dựng.
Theo đó, vì là mùa xây dựng nên chủng loại các mặt hàng cũng đa dạng, giá cả nhích lên nhưng không đáng kể. Theo đó, xi măng Hoàng Thạch có giá 1.480.000 đồng/tấn, giá bán lẻ khoảng gần 80.000 đồng/bao; giá xi măng CHINFON 1.400.000 đồng/tấn; xi măng Bút Sơn 1.540.000 đồng/tấn; xi măng Hà Tiên có giá bán 90.000 đồng/bao… Còn theo một số cửa hàng gạch men, giá các loại gạch men chỉ dao động nhẹ. Nhưng đây là mặt hàng cạnh tranh rất dữ dội giữa sản phẩm trong nước với nước ngoài.
Theo đó, gạch lót sàn quy cách 60x60cm do doanh nghiệp trong nước sản xuất như Đồng Tâm, Thạch Bàn… có giá từ 200.000 đồng/m2 trở lên, trong khi sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc có giá từ 180.000 đồng trở lên. Tuy nhiên các sản phẩm của Trung Quốc mẫu mã, màu sắc đa dạng và đẹp nên được nhiều người lựa chọn.
Cơ hội và thách thức
Theo Sở Xây dựng TPHCM, trong 4 năm (2011-2014), TP đã phát triển được 34,9 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở. Con số này nâng chỉ tiêu diện tích bình quân nhà ở của người dân TP từ 14,3m2/người năm 2010, nay lên 17m2/người. TP đã tháo dỡ 15 lô chung cư cũ với tổng số 99.813m2 sàn, xây dựng mới thay thế các lô đã tháo dỡ và phục vụ tái định cư 139.899m2 sàn.
Dự kiến đến hết năm 2015, TPHCM sẽ hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 8,2 ha, quy mô 4.042 căn hộ, diện tích sàn xây dựng khoảng 352.603m2. Ngoài ra hàng trăm dự án nhà ở thương mại của các doanh nghiệp làm chủ đầu tư, nhà do dân tự xây cùng với hàng loạt công trình trên cả nước sẽ tạo ra cơ hột rất lớn cho ngành VLXD.
Tuy nhiên theo ông Tống Văn Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, để ngành VLXD phát triển bền vững, doanh nghiệp cần đầu tư thêm các thiết bị thí nghiệm, nâng cao công nghệ sản xuất gạch bê tông khí chưng áp. Trong thời gian tới cạnh tranh trên thị trường VLXD ở Việt Nam chắc chắn sẽ quyết liệt hơn, bởi kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với các nước trong khu vực và nền kinh tế thế giới.
Thị trường BĐS hồi phục tạo cơ hội cho ngành VLXD.
Năm 2015 Việt Nam cam kết cắt giảm 93% số dòng thuế có mức thuế suất 0% và 7%. Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) cũng đang tiến tới thực hiện những cam kết cuối cùng để thành lập Cộng đồng ASEAN (AEC) vào năm 2015.
AEC được thành lập sẽ tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề trong khối. Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp VLXD nước ta có nhiều cơ hội tham gia thị trường 500 triệu dân, nhưng cũng gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các tập đoàn lớn của các nước trong khối.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định, chủ động trước thời cơ và thách thức. Đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu, các doanh nghiệp cần cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và giá thành sản xuất; liên kết, hợp tác để phát triển. Không phải mặt hàng nào chúng ta cũng xuất khẩu mà cần tính toán xuất khẩu những sản phẩm có giá trị cao.
DiaOcOnline.vn – Theo Sài Gòn Đầu tư
Từ khóa:
Vật liệu xây dựng,Thị trường vlxd