Dù thanh khoản đã được cải thiện, nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư. Nguồn cầu trên thị trường chủ yếu vẫn đến từ những khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở, còn nhà đầu tư mới chỉ “đứng ngoài” thăm dò, chưa mạnh dạn đổ vốn vào thị trường này.
Chọn kênh đầu tư nào trong năm nay đang là câu hỏi khó với đa số các nhà đầu tư. Dù là bất động sản (BĐS), vàng, hay chứng khoán, ngoại tệ….cũng đều chưa rõ ràng về cơ hội sinh lời và rủi ro với từng kênh đầu tư. Riêng kênh đầu tư BĐS, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường BĐS đang có sự tăng trưởng khá tốt, với nhiều quy định mới sẽ có hiệu lực trong năm nay, kết hợp với việc Ngân hàng Nhà nước tích cực đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, phía các ngân hàng thương mại thì tung ra những gói tín dụng ưu đãi có lãi suất thấp thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho người mua nhà… Thế nhưng, sự quan tâm thực sự chỉ mới đến từ những người có nhu cầu mua nhà để ở.
Về lâu dài, BĐS được đánh giá sẽ sinh lời tốt nhưng hiện tại thị trường này chưa phục hồi rõ nét, mới chỉ là bước đầu, cung – cầu vẫn chưa quân bình tại nhiều phân khúc, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng vì giá vẫn có thể tiếp tục rơi.
Sự phục hồi của thị trường BĐS hiện vẫn chưa thực sự rõ nét nhưng về lâu dài đây sẽ là kênh đầu tư sinh lời tốt. Ảnh: Lê Toàn |
Hiện tại, những nhà đầu tư mạnh tài chính có xu hướng “đổ” vốn vào thị trường BĐS bằng cách mua lại cổ phần của các doanh nghiệp BĐS để giành quyền kiểm soát, hoặc mua lại cổ phần của các doanh nghiệp khối nhà nước có quỹ đất lớn và đang làm ăn thua lỗ.
Một đại gia địa ốc chuyên săn các đợt bán đấu giá cổ phần của những doanh nghiệp có quỹ đất lớn tiết lộ: “Nếu xác định mua lại cổ phần thì ít nhất cả nhóm của tôi phải gom được trên 51% mới mua. Mình phải được nắm quyền điều hành mới chi tiền chứ không dại gì mua dưới tỷ lệ chi phối rồi sau đó lại chơi bài thả gà ra đuổi”.
Nhà đầu tư này cũng khẳng định, thị trường BĐS sẽ khó có thể “ấm” nhanh như mọi người kỳ vọng. Điều này cũng có nghĩa, các nhà đầu tư “có điều kiện” vẫn có rất nhiều cơ hội vì sẽ có không ít doanh nghiệp BĐS đang hoặc sẽ tiếp tục ngắc ngoải và thị trường mua bán, sáp nhập các dự án BĐS vẫn tiếp tục cung lớn hơn cầu.
Thực tế cũng cho thấy, việc đổ “vốn chờ” vào các doanh nghiệp có quỹ đất lớn chỉ phù hợp với những người nhiều tiền và đây cũng là khoản đầu tư dài hơi.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia thì: “Năm 2015, tuy giao dịch trên thị trường BĐS có thể gia tăng nhưng giá cả vẫn còn bấp bênh. Một trong những ẩn số của thị trường địa ốc là khoản nợ xấu tại các ngân hàng còn tồn đọng rất lớn”.
Nếu những nhà đầu tư có tiền chọn kiểu đầu tư dài hơi, thì theo ông Hiếu, nhà đầu tư nhỏ lẻ cần phải xác định đúng mục tiêu đó là ưu tiên bảo toàn vốn khi quyết định “rót tiền” đầu tư, và cũng phải tránh việc đầu tư theo tâm lý đám đông cũng như nên tham khảo các chuyên gia thành thạo và trung thực trong nghề.
Trao đổi với PV, chị Minh Hà – một nhà đầu tư cá nhân chia sẻ, hiện tại chị không “chơi” BĐS vì thanh khoản không cao, thời gian chờ lại quá lâu. Phần lớn số vốn của chị vẫn gửi vào sàn chứng khoán, còn lại thì gửi tiết kiệm dù lãi suất khá thấp, chỉ còn gần 6%/năm.
“Kênh BĐS đọng vốn lâu quá, mà tôi lại không dài vốn nên đành chọn chứng khoán dù vẫn biết rủi ro sẽ không nhỏ”, chị Hà cho biết.
Xoay quanh nghi vấn thị trường BĐS chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phân tích: “Thị trường BĐS mới chỉ hồi phục bước đầu. Việc các nhà đầu tư thứ cấp chưa quay lại nhiều trong thời gian này có khi lại tốt, bởi nó sẽ không tạo nên những cơn sốt nóng lạnh bất thường, từ đó tạo điều kiện cho thị trường phát triển bền vững hơn. Khi người bán và người mua BĐS gặp nhau ở nhu cầu thực thì thị trường sẽ phát triển minh bạch hơn và đi đúng hướng cung cầu của thị trường”.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng đưa ra lời khuyên với những nhà đầu tư chọn kênh BĐS là, phải thật tỉnh táo, không nên vội vã khi lựa chọn sản phẩm địa ốc. Bởi lẽ, trong chiến lược bán hàng, chủ đầu tư có khá nhiều chính sách hấp dẫn khác nhau, nào giảm giá, nào khuyến mại… nhằm tạo ra sức hút khiến người mua thiếu đi sự tỉnh táo để tiếp nhận. Những chính sách này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua ngay trong giai đoạn thanh toán mà còn ở giai đoạn “hậu thanh toán”, vì thế cần xem xét kỹ sản phẩm theo những quy định pháp luật chứ không đơn thuần xem xét nó chỉ về mặt giá cả, điều này nhằm giúp loại bỏ những rủi ro trong tương lai.